Chó Husky hay Husky Sibir ngày càng phổ biến và dành được nhiều tình cảm của người yêu chó toàn thế giới. Với những biểu cảm đáng yêu, được cho là “ngáo”, Husky đã đốn gục trái tim nhiều chủ nhân. Hãy cùng PetNow tìm hiểu tất tần tật về giống chó đặc biệt này nhé.

1. Lịch sử nguồn gốc của chó Husky Sibir

1.1. Nguồn gốc

Các giống chó Husky Sibir, Samoyed và Alaskan Malamute có chung nguồn gốc từ một giống chó cổ đại theo kết quả DNA công bố năm 2004. Tổ tiên của chúng sống ở một trong những nơi lạnh giá nhất thế giới là Siberia.

Giống chó Husky nguyên thủy được nuôi và phối giống bởi người Chukchi được cho là đã tuyệt chủng. Tuy nhiên, một phóng viên của tạp chí “Geographical magazine” vào năm 2006 đã đưa ra báo cáo chúng còn sống sau chuyến công tác của anh tại Siberia.

Chó Husky có nguồn gốc từ một giống chó cổ đại tại Siberia

1.2. Sự phát triển của chó Husky Sibir

Từ năm 1908, chó Husky được du nhập vào Alaska trong thời kì khai thác vàng và được sử dụng là chó kéo xe và chó đua xe. Xe kéo bởi chó Husky nhanh chóng trở thành phương tiện phổ biến tại đây.

Năm 1930, câu lạc bộ chó giống Mỹ (AKC) đã công nhận giống chó Husky Sibir. Chín năm sau, giống chó này lần đầu tiên được đăng kiểm ở Canada.

2. Các đặc điểm ngoại hình chó Husky Sibir

2.1. Bộ lông chó Husky

Chó Husky có bộ lông dày hai lớp giúp giữ ấm trong điều kiện khí hậu lạnh. Lớp lông ngoài dài và mỏng, lớp lông trong ngắn và dày. Chúng có thể chịu được nhiệt độ từ âm 50 đến âm 60 độ C. Husky thay lông tơ thường xuyên, cần chải lông hàng tuần nếu sống cùng con người để loại bỏ lông gãy rụng và tránh lông bay tán loạn trong nhà.

Chó Husky có bộ lông dày hai lớp giúp giữ ấm

Husky có nhiều màu lông khác nhau, phổ biến nhất là đen – trắng, nâu (đỏ) – trắng, xám (phấn) – trắng, trắng và màu lông hiếm “agouti”. Hầu hết, chó Husky có chân, mõm, đốm cuối đuôi màu trắng.

2.2. Mắt chó Husky

Chó Husky có mắt hình quả hạnh nhân, đặt cách nhau vừa phải, hơi xếch lên. Màu sắc mắt đa dạng: xanh da trời, xanh nước biển, hổ phách, xanh lá cây, nâu. Một số chú chó Husky có hai mắt khác màu hoặc mắt pha trộn nhưng chúng đều được công nhận là chó Husky thuần chủng.

2.3. Mũi chó Husky

Màu mũi chó Husky tương ứng với màu lông:

  • Chó Husky xám: mũi đen
  • Chó Husky đen: mũi nâu
  • Chó Husky nâu: mũi đỏ sẫm
  • Chó Husky trắng: mũi xám nhạt

2.4. Tai chó Husky

Tai của chó Husky hình tam giác, dựng thẳng và luôn hướng về phía trước. Kích thước tai cân đối, không quá lớn, lông trên tai ngắn, mỏng và rất mềm mịn.

Ngoại hình chó Husky đáng yêu

2.5. Đuôi chó Husky

Đuôi chó Husky dài và rậm lông. Khi không hoạt động, Husky thường cụp đuôi. Khi chạy nhảy, Husky uốn cong đuôi lên lưng để giữ ấm. Chúng hạ thấp đuôi khi thư giãn và dựng cong đuôi khi phấn khích hoặc tò mò.

2.6. Kích thước chó Husky

Chó Husky thuần chủng con cái thường nhỏ hơn con đực:

  • Chó đực: cao 53 – 58cm, nặng 20 – 27kg.
  • Chó cái: cao 51 – 56cm, nặng 16 – 23kg.

3. Tính cách

Chó Husky có nhiều hành vi tương đồng với tổ tiên chó sói, bao gồm thích giao tiếp bằng cách hú hơn là sủa, hay đi lang thang và có xu hướng đào tẩu khỏi không gian hẹp, tù túng.

Husky là giống chó thân thiện với trẻ em và từng được người Chukchi sử dụng để bảo vệ con cái. Tuy nhiên, do bản tính hiếu động, chúng cần được vận động nhiều và huấn luyện nghiêm ngặt. Khi sống trong nhà

Chó Husky thông minh, trung thành, tình cảm, dễ thương và hiếu động

Chó Husky có bản năng săn mồi mạnh mẽ nên có thể đuổi theo mèo, thú nhỏ và đi lạc. Do đó, nên dắt chó Husky ra ngoài đi dạo để làm quen với môi trường sống, đồng thời cũng cần để mắt trông nom khi chúng chạy nhảy, vui chơi. Ngoài ra, chó Husky thích sống theo bầy đàn nên bạn có thể nuôi thêm các thú cưng khác hoặc cần quan tâm Husky nhiều hơn.

Nếu bạn yêu thích và muốn nuôi một chú chó ngáo Husky thì hãy ghi lại một số tính cách nổi bật sau đây để chăm sóc và nuôi chó Husky phù hợp nhé:

  • Thông minh: Xếp hạng 45 trong danh sách những giống chó thông minh nhất thế giới.
  • Vâng lời: Dễ huấn luyện, nhanh nhẹn và tiếp thu mệnh lệnh tốt.
  • Trung thành: Sống theo tập tính bầy đàn, coi chủ nhân là con đầu đàn.
  • Tình cảm: Yêu quý các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em.
  • Dễ thương: Biểu lộ cảm xúc đa dạng, vui vẻ, hiền lành.
  • Năng động: Dồi dào năng lượng, cần được vận động thường xuyên.
  • Nghịch ngợm: Có thể phá phách nếu thiếu không gian vận động.

4. Hướng dẫn huấn luyện chó Husky

Huấn luyện chó Husky là một việc làm quan trọng giúp chúng trở thành những thú cưng ngoan ngoãn và nghe lời. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm huấn luyện thì hãy tham khảo một số bài huấn luyện chó Husky cơ bản và nâng cao sau đây:

4.1. Huấn luyện chó Husky cơ bản

Dạy chó Husky ngồi:

  • Sử dụng dây xích và kéo nhẹ đầu chó hướng lên.
  • Ra lệnh “ngồi” và chờ chó thực hiện.
  • Khen ngợi và thưởng cho chó khi hoàn thành.
  • Thả lỏng dây xích và ra lệnh “OK” hoặc “Được”.
  • Lặp lại thường xuyên trong 3 tuần để củng cố thói quen.

Dạy chó Husky nằm:

  • Ra lệnh “nằm” và đồng thời đặt tay xuống đất.
  • Khen ngợi và thưởng cho chó khi hoàn thành.
  • Ra lệnh “OK” hoặc “Được” để kết thúc.

Huấn luyện chó Husky chạy lại khi gọi:

  • Đưa chó đến khu vực rộng rãi và chơi đùa.
  • Dùng lệnh “lại đây” hoặc tên chó kết hợp với thức ăn để dụ chúng chạy lại.
  • Lặp lại thường xuyên để chó quen với lệnh.

Huấn luyện chó Husky ngồi yên một chỗ:

  • Sau khi chó đã quen với lệnh “ngồi”, bắt đầu huấn luyện “ngồi yên”.
  • Khi chó ngồi yên, đợi 3 – 4 giây trước khi khen ngợi và thưởng.
  • Lặp lại và tăng thời gian chờ đợi để củng cố thói quen.
  • Dần dần chuyển từ “ngồi” sang “ngồi yên”.

Huấn luyện chó Husky từ những lệnh cơ bản và nâng cao dần

4.2. Huấn luyện chó Husky nâng cao

Huấn luyện chó Husky nhặt đồ:

  • Chọn món đồ chơi yêu thích của chó và đặt tên cho món đồ chơi đó, ví dụ: quả bóng tennis gọi là “bóng”.
  • Cho chó ngửi và nèm đồ chơi ra xa, ra lệnh “lấy bóng”.
  • Dắt chó đi lấy đồ chơi nếu cần thiết.
  • Lặp lại 2 – 3 lần mỗi ngày để chó quen với lệnh.
  • Tăng dần độ khó bằng cách giấu đồ chơi.

Huấn luyện chó Husky chỉ ăn thức ăn trong bát:

  • Yêu cầu chó ngồi trước bát thức ăn.
  • Đặt bát thức ăn và ra lệnh “đến giờ ăn”, sau đó để chó thưởng thức món ăn.
  • Lặp lại cho đến khi chó quen với lệnh và ăn sau khi bạn đặt bát xuống.
  • Nếu chó ăn thức ăn khác, ra lệnh “không” dứt khoát và nghiêm khắc. Sau đó, kéo chó ra khỏi phòng và không để ý đến nó trong vài phút.

4.3. Lưu ý khi huấn luyện chó Husky

Huấn luyện chó Husky tại nhà mang lại nhiều lợi ích như tăng cường sự gắn kết, uốn nắn hành vi và tạo môi trường sống an toàn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một số điểm quan trọng để đạt hiệu quả:

Kiên nhẫn và nhất quán: Chó Husky nổi tiếng với tính cách độc lập và cứng đầu, do đó, hãy kiên nhẫn và nhất quán trong việc áp dụng các phương pháp huấn luyện. Luyện tập thường xuyên với thời gian ngắn (10 – 15 phút mỗi lần) để duy trì sự tập trung của nó.

Bắt đầu từ khi còn nhỏ: Giai đoạn chó con là thời điểm lý tưởng để hình thành thói quen tốt và uốn nắn hành vi cho chó Husky. Bắt đầu huấn luyện từ 8 – 12 tuần tuổi với các bài tập cơ bản như “ngồi”, “nằm”, “đến”.

Cần huấn luyện chó Husky từ nhỏ

Sử dụng lệnh và ký hiệu rõ ràng: Sử dụng các từ khóa ngắn gọn, dễ hiểu và nhất quán cho mỗi hành động. Kết hợp lệnh bằng giọng nói với cử chỉ tay để tăng hiệu quả tiếp thu của chó Husky.

Thưởng và kỷ luật hợp lý: Khen ngợi và thưởng thức ăn khoái khẩu của chó Husky khi nó thực hiện tốt để củng cố hành vi tích cực. Áp dụng kỷ luật không bạo lực như phớt lờ hoặc giam vào chuồng khi có có hành vi xấu.

Hiểu tính cách chó Husky: Husky là loài chó năng động, ưa vận động và có bản năng săn mồi mạnh mẽ. Cung cấp môi trường sống rộng rãi và hoạt động thể chất thường xuyên để đáp ứng nhu cầu của chó.

5. Những bệnh thường gặp ở chó Husky

5.1. Bệnh đường ruột

Nguyên nhân bệnh đường ruột ở chó Husky là do chế độ ăn uống không hợp lý như: ăn quá no, không đúng giờ, thức ăn lạ hay thức ăn ôi thiu. Biểu hiện bệnh là chó bị nôn mửa, bỏ ăn, uể oải, tiêu chảy.

Cách điều trị bệnh đường ruột:

  • Đưa chó Husky đến bác sĩ thú y để được khám và điều trị kịp thời.
  • Cho chó ăn thức ăn dễ tiêu hóa, chia nhỏ bữa ăn.
  • Bổ sung nước và điện giải.

Cách phòng tránh bệnh đường ruột:

  • Cho chó Husky ăn thức ăn phù hợp, nấu chín kỹ, bảo quản tốt tránh ôi thiu, mốc hỏng.
  • Cho chó ăn đúng giờ, điều độ, đúng lượng và thành phần.
  • Vệ sinh dụng cụ ăn uống sạch sẽ.

5.2. Bệnh cảm cúm

Chó Husky bị cảm cúm có thể là do thay đổi nhiệt độ đột ngột, hệ miễn dịch yếu. Các biểu hiện của bệnh bao gồm: bỏ ăn, nằm rên, chảy nước  mũi và dãi, sốt, nóng tai, chân lạnh.

Chó Husky dễ mắc bệnh cúm do nhiệt độ thay đổi đột ngột

Cách điều trị cảm cúm:

  • Giữ ấm cho chó, có thể cho chó mặc áo, ổ nằm có chăn đệm dày.
  • Cho uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ thú y và bồi bổ bằng thức ăn bổ dưỡng, dễ tiêu hóa.

Cách phòng tránh cảm cúm:

  • Sây không lông sau khi tắm.
  • Cần có thời gian để chó thích nghi với thay đổi nhiệt độ.
  • Tiêm phòng đầy đủ để nâng cao hệ miễn dịch.

5.3. Bệnh dại

Bệnh dại là do virus dại, có thể gặp ở bất kỳ giống chó nào. Chó Husky bị dại sẽ có các biểu hiện như:

  • Hung dữ bất thường, hay gầm gừ, sủa to, tấn công người.
  • Sợ hãi, co mình trong bóng tối, cắn khi bị động vào.
  • Kích động, chảy nước dãi, mắt đỏ.
  • Di chuyển chậm chạp, bỏ ăn, tê liệt 4 chân.

Cách điều trị bệnh dại: cần cách ly và đưa Husky đến các cơ sở y tế để được điều trị.

Cách phòng tránh dại: tiêm phòng dại định kỳ cho chó Husky, tránh tiếp xúc với chó hoang.

5.4. Nhiễm khuẩn da

Bệnh nhiễm khuẩn da ở chó Husky do vi khuẩn, nấm gây lên. Biểu hiện của bệnh bao gồm: vết đốm đỏ trên da, ngứa, rụng lông.

Cần thường xuyên kiểm tra da lông cho chó Husky

Cách điều trị nhiễm khuẩn da: cách ly, vệ sinh da và đưa Husky đến bác sĩ thú để y để thăm khám và điều trị bằng thuốc theo chỉ định.

Cách phòng tránh nhiễm khuẩn da:

  • Giữ vệ sinh sạch sẽ.
  • Kiểm tra tình trạng da lông thường xuyên.
  • Tránh tiếp xúc với những chó bị nhiễm khuẩn da khác.

6. Thức ăn cho chó Husky

6.1. Nhu cầu thức ăn và dinh dưỡng

Protein và chất béo: Husky là giống chó có nguồn gốc từ chó sói, do đó, thịt là thức ăn yêu thích và cần thiết cho chúng. Các loại thực phẩm giàu protein và chất béo tốt cho Husky bao gồm: thịt bò, thịt heo, tim, gan, cật, phổi, lòng, mề, óc, v.v.. Trứng cũng là nguồn cung cấp protein dồi dào cho chó Husky.

Chất xơ: Mặc dù chó Husky không thích ăn rau, nhưng việc bổ sung chất xơ là rất quan trọng. Bạn có thể trộn rau củ với thịt hoặc thức ăn mà Husky yêu thích để chúng dễ dàng tiêu thụ. Với cà rốt, cần được nấu chín trước khi cho chó ăn.

Tinh bột: Cung cấp tinh bột giúp chó Husky có năng lượng và hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Bạn có thể bổ sung tinh bột vào khẩu phần ăn của Husky bằng các loại thực phẩm như: gạo lứt, gạo trắng, gạo lúa mì, v.v..

Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ, khoa học cho chó Husky

6.2. Chế độ dinh dưỡng theo từng giai đoạn

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thể chất và ngoại hình của chó Husky. Khẩu phần ăn cần được điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của chó:

  • Chó Husky từ 2 – 5 tháng tuổi: chia nhỏ bữa ăn thành 4 bữa mỗi ngày, lượng thức ăn mỗi bữa vừa phải.
  • Chó Husky từ 5 – 12 tháng tuổi: giảm số bữa ăn xuống còn 3 bữa mỗi ngày, tăng lượng thức ăn mỗi bữa so với giai đoạn trước (tùy thuộc vào sức ăn của mỗi chú chó).
  • Chó Husky trên 12 tháng tuổi: duy trì 2 bữa ăn mỗi ngày, tăng lượng thức ăn mỗi bữa (lưu ý không để Husky ăn quá no).

Lưu ý:

  • Nên cho chó Husky ăn thức ăn tươi ngon, tránh thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn có gia vị.
  • Cung cấp đủ nước sạch cho Husky uống mỗi ngày.
  • Theo dõi cân nặng của Husky để điều chỉnh khẩu phần ăn phù hợp.
  • Tham khảo ý kiến chuyên gia nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về chế độ dinh dưỡng cho chó Husky.

7. Giá chó Husky là bao nhiêu?

Chó Husky với vẻ ngoài hoang dã và tính cách năng động đang ngày càng thu hút sự quan tâm của những người yêu chó Việt Nam. Dưới đây là bảng giá tham khảo cho các dòng chó Husky thuần chủng:

Chó Husky nhân giống tại Việt Nam:

  • Giá: 8 – 10 triệu đồng.
  • Đặc điểm: bố mẹ thuần chủng, khỏe mạnh, giấy tờ chứng minh nguồn gốc đầy đủ, giá thành hợp lý.

Chó Husky sinh sản tại Việt Nam, bố mẹ nhập khẩu:

  • Giá: 10 – 15 triệu đồng.
  • Đặc điểm: bố mẹ nhập khẩu từ nước ngoài, có giấy tờ chứng minh, chó con được sinh sản và nuôi dưỡng tại Việt Nam, giá thành phù hợp, chất lượng tốt.

Chó Husky tại Việt Nam có giá hợp lý và chất lượng tốt

Chó Husky nhập khẩu từ Thái Lan:

  • Giá: 12 – 20 triệu đồng:
  • Đặc điểm: nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan, có đầy đủ giấy tờ, ngoại hình đẹp, sức khỏe tốt, giá thành cao hơn so với chó Husky nhân giống tại Việt Nam.

Chó Husky nhập khẩu từ các nước châu Âu, Mỹ, Canada hoặc Nga:

  • Giá: trên 50 triệu đồng
  • Đặc điểm: nhập khẩu từ các nước có nền chăn nuôi chó tiên tiến, ngoại hình thuần chủng, chất lượng cao, giá thành cao nhất.

Ngoài ra, mức giá chó Husky có thể thay đổi tùy theo thời điểm, nguồn gốc, xuất xứ và địa chỉ mua bán. Bạn nên chọn mua chó Husky tại các cơ sở uy tín để đảm bảo chất lượng, sức khỏe của chó và hưởng ưu đãi, dịch vụ tốt.

Trên đây, PetNow đã cung cấp cho bạn các thông tin cơ bản về giống chó Husky. Chú chó ngáo dễ thương chắc chắn là một thú cưng tuyệt cho bạn và gia đình. Hãy tìm hiểu và chuẩn bị đầy đủ trước khi đón một chú chó Husky về nhà nhé.

Thông tin liên hệ:

PetNow – cung cấp các giống chó, mèo thuần chủng

Địa chỉ:

  • 263 Giáp Nhất / 190 Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân, Hà Nội
  • 1099 Lũy Bán Bích, Tân Sơn Nhì, Tân Phú, TP. HCM

Hotline: 0862 58 6288

Email: petnow2020@gmail.com